Trong cuộc trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn An Cư – đã có những chia sẻ và phân tích sâu sắc về Nghị quyết 68-NQ/TW. Trọng tâm của cuộc trao đổi là những tác động tích cực và định hướng chiến lược mà văn kiện quan trọng này mang lại cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân nói chung, cũng như những kế hoạch hành động cụ thể của Tập đoàn An Cư nói riêng để đón đầu cơ hội. Dưới đây là những nội dung chi tiết từ buổi làm việc:
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Hoàng Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn An Cư đã dành thời gian chia sẻ về tác động của Nghị quyết 68-NQ/TW. Là một doanh nghiệp đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ hạ tầng công nghiệp, khai khoáng kim loại, chế biến gỗ, đầu tư năng lượng tái tạo đến nông nghiệp tuần hoàn và bất động sản xã hội – ông đánh giá thế nào về thời cơ mà Nghị quyết này đem lại?
Ông Nguyễn Hoàng Hà:
Nghị quyết 68 không chỉ mở ra cơ hội cho các hợp tác xã, tổ hợp tác mà còn là “lời gọi” trực tiếp đến các doanh nghiệp tư nhân có thực lực và tư duy dài hạn như An Cư chúng tôi.
Trong bối cảnh nền kinh tế cần tính bền vững và chuỗi giá trị khép kín, thì vai trò của doanh nghiệp dẫn dắt càng trở nên cấp thiết. Doanh nghiệp có tài chính, công nghệ và kết nối thị trường sẽ là trung tâm kéo theo hộ sản xuất nhỏ, hợp tác xã đi lên.
Phóng viên: Ông có thể nêu cụ thể hơn những thuận lợi mà doanh nghiệp cảm nhận được từ Nghị quyết này?
Ông Nguyễn Hoàng Hà:
Tôi xin chia sẻ 5 thuận lợi rõ nét:
- Chính danh hóa vai trò “đầu tàu” của doanh nghiệp tư nhân trong việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ – chế biến – logistics.
- Cơ chế đất đai thuận lợi hơn, nhất là trong quy hoạch vùng nguyên liệu, cụm nông nghiệp, cụm sản xuất hỗn hợp.
- Tín dụng và bảo lãnh tài chính rõ ràng hơn, đặc biệt cho các dự án đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao, chế biến và hạ tầng hỗ trợ.
- Mở đường cho ứng dụng công nghệ số trong nông thôn và sản xuất nhỏ lẻ, doanh nghiệp có thể triển khai truy xuất nguồn gốc, số hóa vận hành toàn chuỗi.
- Tạo môi trường thể chế minh bạch, trong đó doanh nghiệp không chỉ là người thực hiện mà còn có thể đóng góp chính sách, tham gia đào tạo, hướng dẫn hợp tác xã đi theo chuẩn mực quốc tế.
Phóng viên: Vậy vai trò của các doanh nghiệp như Tập Đoàn An Cư sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới, theo tinh thần của Nghị quyết?
Ông Nguyễn Hoàng Hà:
Tôi nghĩ các doanh nghiệp không chỉ làm kinh tế đơn thuần mà còn phải mang sứ mệnh định hướng, hỗ trợ và kéo cả hệ sinh thái cùng phát triển có lợi cho nhiều phía - win win
Chúng tôi xác định rõ: không thể có một nền kinh tế hợp tác hiện đại nếu thiếu những doanh nghiệp “đủ lớn, đủ tâm và đủ tầm” đứng ra tổ chức lại sản xuất, cung ứng dịch vụ đầu vào và bao tiêu đầu ra cho hàng nghìn hộ kinh doanh, hợp tác xã.
Tìm kiếm mở ra những thị trường quốc tế mới, năng động hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam, tạo cảm hứng vươn lên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thực tế cho thấy, chính doanh nghiệp tư nhân sẽ là “trục xoay” để Nghị quyết 68 đi vào đời sống một cách hiệu quả nhất.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông và chúc Tập đoàn An Cư sẽ tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong các mô hình phát triển liên kết đa ngành tại Việt Nam.
Bài phỏng vấn của Tạp Chí Thương Trường (xem tại đây)